Chú Giải Tin Mừng Thứ Năm Tuần XXVII Mùa Thường Niên (Lc 11,5-13) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ NĂM TUẦN XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 11,5-13

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Gl 3, 1-5

Không phải vì máu bốc đồng của tuổi trẻ mà Phaolô chống lại uy quyền của ông Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi…Vì đây có liên quan đến Đức tin ! tiêu chuẩn chính là “bước theo chân lý của Tin Mừng”. Phêrô chấp nhận lời nói tuy cứng cỏi nhưng đầy huynh đệ của Phaolô nhắc nhở mọi Tông-đồ đều phải tùng phục chung vào một Tin Mừng, Tin Mừng ấy không của riêng ai: “Làm sao ông lại ép người dân ngoại phải cư xử như người Do-thái”... nếu việc tuân giữ lề luật cứu rỗi loài người, thì Thập Giá của Đức Kitô đã là vô dụng.

Hỡi những người Galata ngu xuẩn, ai đã bỏ bùa mê cho anh em, là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh phác họa ra trước mắt.

Lời khiển trách có phần chua chát: “Hỡi những người ngu xuẩn kém thông minh!”. gương của Phêrô cũng ảnh hưởng đến kẻ khác. Cũng có ít nhiều người Galata cũng từ chối, không người ăn chung với các tín hữu tân tòng gốc ngoại. Phaolô nói, thật là nghiêm trọng! Như thế là không hiểu gì về Thập Giá, phương kế duy nhất của ơn cứu chuộc!

Không, phép cắt bì không đem lại gì hết xét về phương diện phần rỗi: Đó là một phong tục có giá trị văn hóa, dấu hiệu riêng thuộc về một đoàn thể, một sắc dân, một truyền thống… nhưng điều ấy không đáng kể.

Muốn được cứu rỗi, phải “nhìn ngắm Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh!”.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con biết chiêm ngắm Thập Giá với lòng cảm mến sâu xa… biết thấm nhập mầu nhiệm biểu lộ ra trong đó…

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng quá vương vấn với các tục lệ, dù có đáng kính đến đâu, để chúng con biết làm nổi bật điều “căn bản” của Đức tin lên, bằng cách biết chấp nhận các thủ tục khác, các sở thích văn hoá khác với chúng con, nơi các tín hữu khác.

Tôi chỉ muốn anh em cho biết điều này thôi: anh em đã nhận được Thần Khí là đã làm những gì luật dạy, hay vì đã nghe và đã tin?

Chắc chắn hẳn ông Phêrô đã không lường trước được các hậu quả và thái độ “sợ sệt” của ông…nhưng nó lại ảnh hưởng, vì có ông có uy quyền. Phaolô biết niềm xác tín căn bản của mình: “ Tin Mừng không chấp nhận những thỏa hiệp xã giao…” hoặc là lề Luật hay Đức tin ? người ta gọi là song quan luận căn bản: “ hoặc là…hoặc là…”.

Ở đây, chúng ta có chính bản tóm lược Tin Mừng mà v đã diễn giải đúng thần học trong thư gửi giáo đoàn Rôma. Ly do mà người ta diễn tả: “Chúng ta, người Do-thái, chúng ta đã là đối tượng mà Thiên Chúa đặc biệt lựa chọn. Nhưng đó không phải là một đặc ân. Đối với chúng ta, cũng như đối với các dân ngoại, phương thế duy nhất để trở nên “công chính” và được cứu thoát khỏi tội lỗi, là niềm tin vào Đức Kitô, chứ không phải là nhờ giữ luật của Môsê”.

Kitô giáo chúng ta, mà không bao giờ người ta nói cho đủ, không phải là một nền luân lý, hay một ý thức hệ…nhưng là một con người, “một người nào” đó.

Cần phải có các công thức và định nghĩa giáo lý, cần phải có sự cố gắng sống đúng luân lý, đúng trách nhiệm theo lương tâm. Nhưng điều căn bản là “tiếng gọi của Đức tin”: Một tiếng gọi, một cuộc lên đường, tiến đến với Đức Kitô… là thái độ đáp trả tiếng gọi riêng tư này…là cuộc gặp gỡ Đấng kêu gọi chúng ta.

Vậy, Đấng rộng ban Thần Khí cho anh em, phải chăng Người hành động như thế vì anh em làm những gì Luật dạy, hay vì anh em nghe và tin.

Thiên Chúa không cứu rỗi con người vì công nghiệp của họ mà chỉ do tình yêu, ân sủng của Người. Ta phải để chấp nhận Chúa yêu thương: Xin tạ ơn Người lạy Chúa.

Bài đọc II: Mt 3, 13-20

Chúa phán: “Lời của các ngươi chống lại Ta thật là thô kệch”.

Không phải chỉ có NGÀY NAY người ta mới “chống lại” Thiên Chúa.

Trở về đất họ Palestina, dân lưu đày đã mơ ước rằng mọi sự phải được dễ dàng. Mà, ngay sau niềm hân hoan phấn khởi được trở về, này đây cả một màu xám chiếm ngự cùng với những khó khăn. Đền thờ bây giờ được dựng lại. Nhưng niềm tín trung với Thiên Chúa giữa những thử thách hằng ngày còn rất khó khăn.

Các ngươi còn nói: “Kẻ phụng thờ Chúa thật luống công! Chúng ta đã tuân giữ lời răn của Chúa, và đã sầu não tiến bước trước mặt Chúa các đạo binh, nào lợi ích gì?”.

Cơn cám dỗ sống “không có Thiên Chúa”. Phụng thờ Chúa thật luống công.

Tại sao phải thiếu thốn? Tại sao không sống giống như dân ngoại chung quanh, những người có vẻ rất hạnh phúc, trong khi chúng ta “không vui vẻ gì?”.

Cả chúng ta HÔM NAY nữa, đây là một cơn cám dỗ thường xuyên để mình bị ảnh hưởng bởi ngẫu tượng giáo và thuyết duy vật chung quanh.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hân hoan phụng sự Chúa, cả khi những hoàn cảnh bên ngoài muốn biến chúng con nên sầu não.

Chúng ta kể kẻ kiêu căng là những người có phúc: Quả thực, những kẻ làm điều ác thì được thịnh vượng, họ đã thử thách Thiên Chúa mà vẫn được cứu thoát.

Đây là vấn nạn thường xuyên, về hạnh phúc của những người dữ và nỗi bất hạnh đổ xuống người công chính.

Ai trong chúng ta đã không đặt vấn nạn đáng sợ này với Thiên Chúa?

NGÀY NAY, hơn bao giờ hết, người ta không thể nhắm mắt. Tại sao có bao nhiêu sự dữ, tội lỗi bất hạnh? Lạy Chúa xin trả lời cho chúng con.

Và Thiên Chúa để ý, Người đã nghe. Trước mặt Chúa là quyển sách kỷ niệm ghi danh sách những kẻ kính sợ Chúa và tưởng nhớ đến thánh danh Người.

Giải đáp thứ nhất : Thế giới không phải là kết cuộc. Thiên Chúa ghi nhớ. Phải chờ kết cuộc. Thiên Chúa sẽ nhập cuộc ủng hộ những kẻ kính sợ Người.

Trong ngày Ta định hành động, họ sẽ là của riêng Ta : Ta sẽ tha thứ cho họ, như một người Cha tha thứ cho đứa con biết phụng sự mình.

Giải đáp thứ hai: Những người công chính sẽ lãnh phần thưởng của họ. Thiên Chúa yêu thương họ., như một người cha yêu thương con cái trung tín của mình.

Các ngươi sẽ xem thấy sự khác biệt giữa người lành và kẻ dữ, giữa người phụng thờ Thiên Chúa và kẻ không phụng thờ Người.

Giải đáp thứ ba: dầu ở đây và bây giờ, xem ra không có sự công chính, nhưng sự công chính sẽ đến.

Vậy chúng ta đừng quá vội xét đoán, cũng đừng theo vẻ bề ngoài.

Thiên Chúa không vội vã. Người nhìn xa hơn. Lạy Chúa xin giúp chúng con biết lùi lại, để xét theo quan điểm của Chúa. Vì đây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: Tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ: ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ.

Đây là một hình ảnh. Nhưng nó thật đáng sợ.

Phần các ngươi là những kẻ kính sợ Thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời Công chính soi sáng cho, mang theo theo sự cứu chữa dưới cánh Người.

Cuối cùng vọt ra niềm hy vọng.

Lạy Chúa, xin làm triển nở nơi chúng con niềm hy vọng này.

BÀI TIN MỪNG: Lc 11, 5-13

Thí dụ ai trong anh em có một người bạn….

Các con có kinh nghiệm về tình bạn không? các con có biết, có một người bạn là như thế nào không?”. Thiên Chúa thường dạy bằng cách chất vấn như thế…

..Nửa đêm đến gặp người bạn đó và nói: “Anh ơi, cho tôi vay ba cái bánh…”.

Thật là cụ thể, đơn sơ. Đức Giêsu vừa khuyên chúng ta “mỗi ngày hãy xin Thiên Chúa ban bánh chúng ta vẫn cần dùng”.

Tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà mà tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”. Người kia từ trong nhà đáp lại: “Xin anh đừng quấy rầy tôi, cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”.

Một cảnh thực sống động. Người khách đã đến muộn. Anh ta lợi dụng lúc mát mẻ để đi chơi. Trời thường nóng ở Palestine. Tại quê hương Đức Giêsu, các nhà ở thời đó chỉ có một gian. Đó là những căn nhà đơn sơ, dành cho những con người sống đạm bạc. Mọi người đều ngủ dưới đất, được trải lót một tấm cảm hay một chiếc chiếu. Mỗi khi một người trỗi dậy, sẽ phấy rầy giấc ngủ mọi người, quả là phiền phức ! Xin để cho chúng tôi yên.

Thầy nói cho anh em biết: Dẫu người ấy không dậy lấy bánh cho bạn vì tình nghĩa, thì cũng phải dậy lấy cho người bạn tất cả những gì anh ta cần đến, chỉ vì anh ta cứ lì ra đó.

Người bạn không chịu nhượng bộ vì tình vì nghĩa, nhưng chỉ muốn được yên ổn, cũng như thái độ của ông quan án mà Đức Giêsu sẽ nói tới sau đó (n Lc 18, 4-5). Ở đây, không có ý nói Thiên Chúa sẽ hành xử như thế, nghĩa là chịu khuất phục vì chán nản, nhưng chỉ muốn làm nổi bật “với lý do mạnh hơn” thái độ của người cha đầy lòng nhân hậu. “Nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha của anh em, Đấng ngự trên trời…?

Anh em cứ xin thì sẽ được cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì cửa sẽ mở cho.

Đức Giêsu long trọng quả quyết. Thiên Chúa sẽ chấp nhận lời cầu xin ! Người lập lại lời đó không biết mỏi mệt, bằng mọi cách thức.

Hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì cửa sẽ mở ra cho.

Cần đến với Thiên Chúa như một người nghèo khó trước nhu cầu của mình. Trước tiên, cầu nguyện là một thú nhận về sự nghèo khó của mình: Lạy Chúa con không tới được đó… lạy Chúa, con tìm kiếm… Lạy Chúa, con không hiểu biết… Lạy Chúa, con cần đến Chúa….

Ai trong anh em ở địa vị làm cha, mà khi con mình xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho hay sao ? Hay khi nó xin trứng lại lấy bò cạp mà cho hay sao? Nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành…

Có lẽ không thể nghĩ rằng, một người mẹ là không hành xử tốt như thế. Trước lời mời gọi của Đức Giêsu, tôi dành thời gian chiêm ngắm trái tim của người mẹ, người cha trong trần gian: Mỗi ngày có biết bao “điều tốt lành” đã được “ban tặng” bởi hàng triệu cha mẹ, dưới mọi vòm trời, trên tất cả các lục địa.

Phẩm tính “xấu ác” ở đây xem ra ở đây không được dùng để nhấn mạnh đến sự đồi bại của con người, nhưng nhằm đề cao cách mạnh mẽ hơn lòng “nhân hậu’ của Đấng ban tặng biết bao “điều tốt lành cho con cái Người”.

Phương chi Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, lại không bn Thánh Thần cho kẻ kêu xin Người hay sao?

Matthêu chỉ nói đến những “điều tốt” ( Mt 7, 11). Luca dám nói đến “sự ban tặng Thần Khí”. Theo ông, đó là ơn tuyệt vời. Và ơn kỳ diệu này ông sẽ nói đến nhiều trong sách Công vụ Tông-đồ ( 53 trích dẫn). Sự chấp nhận quan trọng những lời cầu xin của ta, đó là lãnh nhận một Thánh Thần.

Ồ không, Thiên Chúa không coi thường ta. người ban tặng cho ta chính Thần Khí Người. Hễ ai xin thì sẽ được. Anh em hãy xin, thì anh em sẽ được.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Kiên trì và tin tưởng cầu xin.

HOÀN CẢNH:

Dạy cách cầu nguyện qua kinh Lạy Cha xong, Chúa Giêsu nêu ra 2 điều kiện để lời cầu xin được hiệu nghiệm, là kiên nhẫn và tin tưởng.

Để diễn tả sự kiên tâm trong khi cầu nguyện, Chúa đã dùng dụ ngôn ‘người bạn quấy rầy’ và để diễn tả sự tin tưởng trong lời cầu xin thì Chúa nhắn nhủ : Cứ xin thì sẽ được (1,9-13).

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Có những lúc chúng ta bị rơi vào tình trạng khủng hoảng niềm tin: Chúng ta nghi ngờ tình yêu của Chúa và chán nản không còn muốn cầu nguyện nữa! Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay thức tỉnh ta phải kiên trì và tin tưởng trong việc cầu nguyện.

2. Qua dụ ngôn” Người bạn quấy rầy” (11,5-8) chúng ta nhận ra rằng:

- Là Người Cha nhân hiền, Chúa luôn luôn thấu hiểu và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con người. Nhưng Chúa muốn chúng ta chuyên tâm cầu nguyện, vì người muốn chúng ta ngày càng ý` thức sâu xa hơn về thân phận yếu hèn và bất lực của mình trước những nhu cầu và khát vọng của đời sống; nhờ đó chúng ta càng ngày càng đặt niềm tin bền vững về tình thương và quyền năng của Chúa hơn.

- Sự kiên trì, bền đỗ và trung thành là điều kiện để lời xin được hiệu nghiệm: “Có chí thì nên” , vì ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ.

"Cho … vì thể diện": loài người yêu thương nhau vì mình, nghĩa là vẫn còn ích kỷ. Nhưng Thiên Chúa yêu thương cách vô vị lợi vì người là Đấng công Chính và là Cha trên trời.

3. "Hãy xin thì sẽ được …": những kiểu nói này có ý nhấn mạnh đến tính xác thực của lời hứa sẽ được. Vì thế, dụ ngôn này mời gọi chúng ta: khi cầu xin thì phải biết tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng tốt lành.

4. Dựa vào thái độ tốt lành theo kiểu người cha trần thế để làm nổi bật sự tốt lành của Thiên Chúa, là Cha trên trời. Điều này khích lệ chúng ta phải tin tưởng khi cầu nguyện, vì Thiên Chúa là Cha chúng ta.

5. Bài Tin Mừng này Chúa dạy chúng ta:

- Thiên Chúa muốn chúng ta phải kiên trì cầu nguyện để chúng ta ý thức rằng chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa vì chúng ta chẳng có gì và chẳng làm được việc gì.

- Thiên Chúa ban Thánh Thần cho ta nghĩa là Người ban chính mình Người cho chúng ta. Người cho chúng ta chia sẻ sự sống của Người, là nguồn gốc mọi ơn lành, và sống hiệp thông với anh em chúng ta.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.